Bách khoa 2023: Cùng nhìn lại những điểm nhấn nổi bật trong năm vừa qua

2023 đánh dấu cột mốc 66 năm hình thành và phát triển của Trường Đại học Bách khoa với không ít thách thức, song tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Trường đã nỗ lực để nâng cao hiệu quả hoạt động trên tất cả các mảng công tác trọng tâm và đạt được những thành quả tốt đẹp.

Trước khi bước sang năm mới 2024 với những niềm hy vọng mới, hãy cùng Bách khoa điểm qua những sự kiện và thành tích tiêu biểu trong một năm vừa qua nhé!

Trường Đại học Bách khoa kính chúc mọi điều bình an, tốt đẹp và thành công đến với quý đối tác, học viên, sinh viên và gia đình, viên chức, người lao động Trường trong năm 2024 đầy triển vọng

1. TIẾP TỤC DẪN ĐẦU KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG VÀ XẾP HẠNG QUỐC TẾ

Năm 2023, Trường Đại học Bách khoa có 08 chương trình đào tạo (CTĐT) đạt chứng nhận kiểm định ASIIN và 01 CTĐT đạt chứng nhận AUN-QA, gồm:

          Kiểm định AUN-QA: CTĐT Kỹ thuật vật liệu – chương trình tiếng Anh (CTTA) 

         Kiểm định ASIIN: 

– CTĐT Kiến trúc – chương trình tiêu chuẩn (CTTC) và CTTA 

– CTĐT Kỹ thuật môi trường – CTTC và CTTA 

– CTĐT Thạc sĩ Quản lý xây dựng – CTTC và CTTA 

– CTĐT Thạc sĩ Khoa học máy tính – CTTC và CTTA

Bên cạnh đó, Trường còn có 03 CTĐT đạt nhãn kiểm định Châu Âu từ tổ chức ASIIN đầu tiên tại Việt Nam là CTĐT Công nghệ Thực phẩm, CTĐT Kỹ thuật Môi trường và CTĐT Thạc sĩ Khoa học Máy tính. 

Với kết quả này, Trường đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế nhiều nhất với 60 chương trình (52 CTĐT bậc đại học và 08 CTĐT bậc Sau đại học), chiếm tỷ lệ 13% trong tổng số chương trình đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam. 

Cũng trong năm 2023, có 07 nhóm ngành mà Trường tham gia đào tạo đạt thứ hạng cao trong kết quả xếp hạng đại học theo QS Subject, bao gồm: 

        – Ngành Khoa học máy tính – Hệ thống thông tin: Top 401-450

        – Ngành Kỹ thuật hóa học: Top 401-420

        – Ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử: Top 301-350

        – Ngành Kỹ thuật dầu khí: Top 51-100

       – Ngành Khoa học môi trường: Top 451-470

       – Ngành Toán học: Top 351-400

       – Ngành Hóa học: Top 601-630

Ngoài ra, trường Đại học Bách khoa đã đón tiếp đoàn đánh giá của HCERES cho công tác tái kiểm định cấp Cơ sở giáo dục vào tháng 11/2023. 

2. PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐÀO TẠO THIẾT KẾ VI MẠCH Ở BẬC ĐẠI HỌC VÀ SAU ĐẠI HỌC TRÊN NỀN TẢNG 20 NĂM ĐÀO TẠO VỀ THIẾT KẾ VI MẠCH BÁN DẪN

Đón đầu xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và định vị mình là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học xuất sắc có vai trò tiên phong dẫn dắt lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong nước, trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch từ hơn 20 năm nay. 

Trước nhu cầu cấp thiết về nhân lực vi mạch cũng như trên cơ sở tận dụng lợi thế đã có suốt hơn hai mươi năm ở lĩnh vực này, Trường Đại học Bách khoa tiếp tục phát triển đào tạo ngành Thiết kế vi mạch ở cả 02 bậc học (Đại học và Sau Đại học) với mã ngành mới. Việc này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới cũng như với các chủ trương, chính sách của Đại học Quốc gia, Thành phố và Chính phủ về phát triển nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Chương trình đào tạo này sẽ được đưa vào vận hành ngay trong năm học 2023-2024 thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm hai và chính thức tuyển sinh với mã ngành mới trong năm học 2024-2025.

3. THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ NHẰM HỖ TRỢ QUẢN TRỊ VÀ ĐÀO TẠO

– Đẩy mạnh số hóa học liệu và phát triển nền tảng số với Công trình chuyển đổi số do Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển Portcoast và Trường Đại học Bách khoa phối hợp thực hiện

Sau một năm tích cực triển khai công tác thực địa, xử lý khối lượng lớn dữ liệu và xây dựng web-based chứa các tính năng của nền tảng thực tế ảo, công trình chuyển đổi số trường Đại học Bách khoa do Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển Portcoast chủ trì thực hiện chính thức ra mắt vào ngày 10/10/2023. 

Công trình chuyển đổi số đã mang toàn bộ không gian Trường Đại học Bách khoa tại cả 02 cơ sở lên trên nền tảng số, thể hiện không gian ba chiều của 29 toà nhà, 50 phòng thí nghiệm điển hình của 12 khoa/trung tâm đào tạo, các trung tâm nghiên cứu, thư viện Trường thông qua hệ thống hình 360 độ chất lượng cao, các thông tin song ngữ Việt – Anh, hình ảnh, âm thanh, video,… giới thiệu về các khoa, trung tâm và các loại thiết bị phục vụ giảng dạy.

Điểm đặc biệt của công trình này so với các nền tảng trải nghiệm thực tế ảo khác chính là các tính năng “động” như đo đạc vị trí, tính toán các thông số hình học tọa độ XYZ, chu vi, diện tích, thông số màu, so sánh sự thay đổi về cơ sở vật chất giữa các năm,… giúp cung cấp chính xác thông tin về cơ sở hạ tầng của Trường, tối ưu hóa công tác quản lý và tăng cường hiệu quả quản trị số.  Ngoài ra, giảng viên có thể ghi chú trực tiếp những thiết bị hư hỏng lên ảnh 360 độ trên nền tảng này để thông báo cho cán bộ phụ trách qua email. Các chuyên gia từ các tổ chức kiểm định quốc tế có thể dựa trên công trình này để đánh giá tiêu chí cơ sở vật chất mà không cần tốn nhiều thời gian và chi phí. 

Người dùng có thể trải nghiệm công trình này trên nhiều thiết bị khác nhau, từ máy tính đến điện thoại, iPad đén kính thực tế ảo (kính VR).

– Số hóa các quy trình làm việc của các đơn vị năm 2023

+ Tỷ lệ dữ liệu được số hóa đã hoàn thành 70% kế hoạch đề ra. 

+ Tỷ lệ quy trình hành chính được số hóa đã hoàn thành 40% kế hoạch đề ra. 

– Tiếp tục hoàn thiện số hóa học liệu và nền tảng số trong giảng dạy, triển khai dự án giảng dạy số MOOC.


4. KHÁNH THÀNH KHÔNG GIAN TRUYỀN THỐNG PHONG TRÀO HỌC SINH, SINH VIÊN SÀI GÒN – GIA ĐỊNH – TPHCM

Với sự đồng hành từ phía Thành Đoàn TP.HCM, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM và sự hỗ trợ tối đa của Ban đại diện Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ – Bách khoa (BKA), công trình “Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP HCM” được hoàn thành trong thời gian rất ngắn và chính thức khánh thành vào ngày 03/10/2023.  

Thiết kế của công trình gồm hình ảnh cách điệu của cánh chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hòa bình, cùng với biểu tượng ngọn đuốc thể hiện tinh thần bất khuất trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời chiến và sức mạnh của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời bình. Trên cùng là hình ảnh lá cờ Việt Nam đại diện cho lòng yêu nước nồng nàn. 

Biểu tượng được đặt trên mô hình Logo của trường Đại học Bách khoa, thể hiện mối giao hòa gắn kết giữa Nhà trường, các thế hệ sinh viên với lịch sử và tương lai đất nước, qua đó khẳng định trách nhiệm xã hội của Nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo triết lý “Khai phóng – Tiên phong – Sáng tạo” đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

Công trình này vừa mang tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ của Trường Đại học Bách khoa nói riêng và toàn thành phố nói chung, vừa là nghĩa cử thể hiện lòng tri ân thiết thực đến các thế hệ anh hùng, học sinh, sinh viên đã hy sinh vì hòa bình, độc lập Tổ quốc. 


5. ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG NỀN TẢNG QUAN TRỌNG TRONG CÔNG TÁC QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Trong năm qua, Nhà trường duy trì và mở rộng quan hệ quốc tế, kết nối với nhiều đối tác mới và nỗ lực thu hút sự quan tâm từ sinh viên quốc tế với những con số nổi bật như: 

– Có 23 ngành, chuyên ngành bậc Đại học và 06 ngành bậc Sau Đại học được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. 

– Hơn 5.300 sinh viên, học viên đang theo học các chương trình đào tạo quốc tế bậc Đại học và sau Đại học. 

– 21 sinh viên, học viên nước ngoài theo học các chương trình toàn thời gian tại trường. 

– 179 sinh viên nước ngoài đến trao đổi văn hóa, trao đổi tín chỉ và trao đổi thực tập tại trường. 

– 121 sinh viên, học viên của các chương trình tại trường tham gia các hoạt động trao đổi tín chỉ, văn hóa, thực tập tại các trường trên thế giới.

– 142 giảng viên nước ngoài, chuyên gia nước ngoài hợp tác giảng dạy, triển khai các hoạt động học thuật, làm việc tại trường.

– 20 giảng viên tham gia chương trình trao đổi trong khuôn khổ dự án Erasmus. 

– Trong năm học 2022-2023, Trường đã ký mới 53 thỏa thuận với các đối tác trong và ngoài nước, duy trì tham gia 06 mạng lưới giáo dục quốc tế và 01 mạng lưới giáo dục trong nước, vận hành 12 dự án hợp tác quốc tế,…

6.  LẦN ĐẦU TIÊN CÔNG BỐ KHOA HỌC QUỐC TẾ VƯỢT MỐC HƠN 1.000 BÀI THUỘC DANH MỤC WoS/SCOPUS

– Số bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục WoS/Scopus/các tạp chí khoa học quốc tế uy tín lần đầu tiên cán mốc 1.100 bài báo khoa học/năm, chiếm gần ⅓ tổng số công bố của ĐHQG-HCM. 

– Số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ trong 10 tháng đầu năm 2023 là 157 với doanh thu 170 tỷ Đồng. 

– Đề tài/dự án cấp quốc gia và quốc tế năm 2023 là 17 nhiệm vụ với tổng số đơn sở hữu trí tuệ được cấp bằng là 18 đơn.

– Hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp triển khai các hoạt động hàng tháng và chỉ số đạt được vượt so với kế hoạch chiến lược. 

7. SINH VIÊN BÁCH KHOA BỨT PHÁ SÁNG TẠO VỚI NHIỀU THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ KẾT NỐI QUỐC TẾ

  • Trường Đại học Bách khoa là một trong các đơn vị dẫn đầu thành phố về số lượng sinh viên 5 Tốt (SV5T cấp Thành phố: 89; SV5T cấp ĐHQG-HCM: 159; SV5T cấp Trường: 179; SV5T cấp Trung ương: dự kiến 26).
  • Kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ 25: 07 giải cá nhân và giải Nhất toàn đoàn.
  • Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 33 khu vực phía Nam: 07 giải đồng đội và 77 giải cá nhân và là đoàn có thành tích cao nhất.
  • Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh toàn quốc 2023: 10 giải.
  • Hội thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần thứ XI: 20 giải cá nhân, gồm 04 giải Nhất, 12 giải Nhì và 04 giải Ba và giải Nhì toàn đoàn bảng B.
  • 3/5 giải tại cuộc thi EPROJECTS thuộc về sinh viên trường
  • Nhóm sinh viên Bách khoa đạt giải Nhì tại chung kết Global EPICS
  • Sinh viên Bách khoa là 01 trong 15 đại diện Châu Á tham dự International Cybersecurity Challenge (ICC) tại Hoa Kỳ
  • Sinh viên Bách khoa vào vòng chung kết cuộc thi xe tự hành tại Romania  
  • Hai nam sinh Bách khoa trúng suất thực tập tại tập đoàn hàng không Boeing, Mỹ 
  • Đào Thị Thủy Tiên (sinh viên khóa 2019, ngành Công nghệ Dệt May) và Võ Lê Thảo Vy (sinh viên khóa 2020, ngành Công nghệ Thực phẩm) là 02 trong 20 nữ sinh được vinh danh giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ năm 2023.

     

8. TỪNG BƯỚC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CẤP CƠ SỞ VẬT CHẤT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO 

Đầu tư, nâng cấp và đưa vào hoạt động các phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu với PTN CN Mỹ phẩm, FabLab, Bosch, Phân tích dữ liệu ở Khoa Máy tính, Vật liệu xanh ở Khoa Kỹ thuật Hóa học,…. 

Ngoài ra, Nhà trường còn cải tạo và nâng cấp nhiều dự án phục vụ nhu cầu của sinh viên như cải tạo sân thể dục thể thao có mái che, hệ thống quạt tạo áp thang bộ, thang hút khói tầng hầm ký túc xá Hòa Hảo, cải tạo và nâng cấp căn tin và tòa nhà BK.B1, thư viện hội trường trung tâm,…


9. TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI NGHỊ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ LẦN THỨ 18 NĂM 2023 VỚI CHỦ ĐỀ “THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ THƯƠNG MẠI HÓA KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU”

Các hội nghị về Khoa học được diễn ra liên tục với nhiều chủ đề các nhau ở các Khoa với 369 Hội nghị quốc tế và 112 Hội nghị trong nước được tổ chức, trong đó:

Hội nghị Khoa học Công nghệ (KHCN) lần thứ 18 diễn ra vào ngày 15/12/2023 có chủ đề “Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa kết quả nghiên cứu” (Incentives for Innovation and Commercialization of Research & Development), với tổng số 67 phân ban, trong đó có 51 phân ban quốc tế (46/51 phân ban quốc tế có kỷ yếu đăng trên tạp chí thuộc danh mục Scopus hoặc tương đương) và 16 phân ban trong nước. 

Phiên toàn thể hội nghị gồm 05 tham luận và 01 tọa đàm với nhiều nội dung liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Phiên triển lãm với sự tham gia của hơn 60 gian của các doanh nghiệp, phòng thí nghiệm của Trường, các nhóm nghiên cứu.

Các hội nghị và triển lãm tiêu biểu của các Khoa:

– Hội thảo khoa học quốc tế về Điện – Điện tử (The 2023 International Symposium on Electrical and Electronics Engineering – ISEE 2023) được tổ chức từ 19 – 20/10/2023. 

            – Triển lãm “Hội nghị ISEE 2023 – Các giải pháp đổi mới sáng tạo khoa Điện – Điện tử” 

            – Hội nghị Khoa học Quốc tế về Khoa học Ứng dụng (International Symposium on Applied Science 2023 – ISAS 2023) được tổ chức từ 13-15/10/2023 

            – Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Kỹ thuật Cơ khí và Kỹ thuật Phương tiện giao thông tiên tiến năm 2023 (NSCAMVE2023) được tổ chức ngày 20/10/2023. 

            – Hội thảo Khoa học Quốc tế lần 4 về Kỹ thuật Ứng dụng tích hợp (ICACE 2023) đã diễn từ ngày 14/08-16/08/2023.

           – Hội nghị Quốc tế về “Kỹ thuật Xây dựng và Kiến trúc bền vững” (The Third International Conference on Sustainable Civil Engineering and Architecture ICSCEA) diễn ra vào     ngày 19–21/07/2023.

10. BKA – CỘNG ĐỒNG CỰU SINH VIÊN PHÚ THỌ – BÁCH KHOA ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ, BỔ TRỢ HIỆU QUẢ TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG TOÀN DIỆN CỦA NHÀ TRƯỜNG 

BKA đóng vai trò toàn diện trong hỗ trợ, bổ trợ các hoạt động của nhà trường và sinh viên, nổi bật như: 

– Quỹ học bổng và hỗ trợ phát triển Bách khoa chính thức hoạt động từ 06/12/2022 với tổng mức huy động trong Nhiệm kỳ I (2021-2023) hơn 20 tỷ Đồng. 

– Chương trình bảo lãnh vay và hỗ trợ lãi suất dành cho sinh viên đã hỗ trợ gần 05 tỷ Đồng cho các sinh viên CTTC của trường Đại học Bách khoa. Riêng trong năm 2023, BKA đã hỗ trợ 236 khoản vay.

– Các dự án và cải tạo cơ sở vật chất Nhà trường: Nhà Câu lạc bộ BKA, Không gian truyền thống phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn-Gia Định TP.HCM,…

– Chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo & hướng nghiệp cho sinh viên với 02 chương trình BK Innovation và BK Mentoring trong vai trò đồng hành. 

Theo: www.hcmut.edu.vn