CẢM NHẬN SAU BUỔI TRAO ĐỔI CÙNG TẬP ĐOÀN INTEL 

Chủ đề “Khám phá sức mạnh Lean: Ứng dụng thực tiễn tại Tập đoàn Intel”

Vào ngày 06/11/2024, cô Nguyễn Thị Đức Nguyên đã thân mời chị Lê Thị Bảo Hân, hiện đang công tác tại Intel Vietnam, tham gia giao lưu và thảo luận với chủ đề “Khám phá sức mạnh Lean: Ứng dụng thực tiễn tại Tập đoàn Intel”. Buổi trao đổi được diễn ra tại 413H6 và 214H6, Trường Đại học Bách Khoa, cơ sở Dĩ An, Bình Dương.

Cô Nguyễn Thị Đức Nguyên – cán bộ giảng dạy môn Quản lý Sản xuất Theo Lean và Sáu Sigma và chị Lê Thị Bảo Hân – Client Quality Engineer Lead, Tập đoàn Intel Vietnam chủ trì buổi trao đổi với hơn 50 sinh viên từ 2 lớp L01 và L02 đang học môn Quản lý Sản xuất Theo Lean và Sáu Sigma- IM3077.

Giới thiệu về buổi trao đổi

Gặp gỡ chị Lê Thị Bảo Hân, cựu sinh viên Khoa Quản lý Công nghiệp khóa 2012, hiện đang giữ vị trí Client Quality Engineer Lead tại Intel Việt Nam, là một trải nghiệm đáng nhớ. Với phong thái tự tin và giọng nói truyền cảm, chị chia sẻ về hành trình sự nghiệp của mình, nơi những kiến thức được học, đặc biệt là Quản lý sản xuất theo Lean, luôn được vận dụng. Phương cách tiếp cận Lean Six Sigma này không chỉ giúp chị nâng cao chất lượng và tối ưu hóa quy trình sản xuất tại Intel mà còn mang đến nhiều thành công. Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, chị khẳng định rằng để tiến xa trong ngành sản xuất, kiến thức về Lean Six Sigma là vô cùng quan trọng. Theo chị, lộ trình phát triển Lean Six Sigma được xây dựng rất rõ ràng, bắt đầu từ Lean Practitioner, sau đó đến Lean Expert, Lean Master, và cuối cùng là Lean Leader. Mỗi cấp bậc đều đòi hỏi những nỗ lực không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng thực thi.

Kinh nghiệm “đắt giá” khi ứng dụng Lean Six Sigma tại Intel

Hành trình ứng dụng Lean Six Sigma tại đây được chị Bảo Hân khéo léo dẫn dắt, với những ví dụ sinh động về các nguyên tắc 5S, Kanban, báo cáo A3, Value Stream Mapping (VSM) và PDCA. Intel đã vận dụng “bộ công cụ” Lean Six Sigma vào việc tối ưu hóa quy trình và nâng cao chất lượng một cách hiệu quả.

Nếu như báo cáo A3 cho phép trình bày ý tưởng cải tiến gọn gàng, súc tích thì Value Stream Mapping (VSM) lại mở ra cái nhìn toàn diện về quy trình, nhanh chóng xác định lãng phí và điểm nghẽn. Bên cạnh đó, nguyên tắc 5S được triển khai triệt để, tạo nên không gian làm việc khoa học, ngăn nắp.

Đặc biệt, Intel còn tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc triển khai Lean. Công nghệ thực tế ảo (VR) được sử dụng để đào tạo nhân viên, mang đến những trải nghiệm trực quan, sinh động, tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được ứng dụng rộng rãi, hỗ trợ nhân viên trong nhiều công việc, từ viết bản tóm tắt cuộc họp đến truy xuất dữ liệu một cách kịp thời.

Chị Lê Thị Bảo Hân chia sẻ kinh nghiệm áp dụng Lean tại Intel

Thông qua buổi trao đổi, sinh viên đã thu hoạch được những bài học quý báu

Không chỉ “truyền lửa” về chuyên môn, chị Bảo Hân còn mở ra cho sinh viên một cái nhìn rộng hơn về những kỹ năng mềm cần thiết trong môi trường công sở. Từ cách ứng xử, giao tiếp với đồng nghiệp đến bí quyết “chinh phục” nhà tuyển dụng, những chia sẻ của chị thực sự là “cẩm nang” bỏ túi dành cho các bạn sinh viên năm 3, năm 4 trước khi bước vào thị trường lao động trí thức.

Chị chia sẻ, trong quá trình ứng tuyển tại các doanh nghiệp toàn cầu, chị Hân chia sẻ rằng ứng viên thường phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn. Kỹ năng tiếng Anh là một yếu tố quan trọng, vì nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra xem kiến thức của bạn có phù hợp với yêu cầu công việc hay không.

Thêm vào đó, chị cũng khẳng định rằng sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp có một lợi thế nổi bật là kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng này không chỉ hỗ trợ truyền đạt ý tưởng hiệu quả mà còn giúp xây dựng các mối quan hệ trong công việc. Chị khuyến khích sinh viên tự tin, chủ động tìm kiếm và tận dụng cơ hội nghề nghiệp, đồng thời dám đối mặt với những thử thách. Ngoài ra, chị cũng chia sẻ về sự khác biệt giữa sinh viên Quản lý Công nghiệp và sinh viên kỹ thuật, giúp các bạn nhận ra giá trị riêng của mình. Chị nhấn mạnh rằng dù có nền tảng học tập khác nhau, sinh viên khối kinh tế – quản lý vẫn có thể đóng góp hiệu quả và có vị thế riêng. Điển hình như bản thân chị, dù là cử nhân Quản lý Công nghiệp, chị vẫn tự tin đảm nhận những vị trí đòi hỏi kiến thức kỹ thuật. Chị cho rằng kiến thức kỹ thuật có thể học được trong quá trình làm việc, còn kỹ năng giao tiếp và trình bày lại là “vũ khí” được mài giũa từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Lời động viên của chị Lê Thị Bảo Hân dành cho sinh viên khoa Quản lý Công nghiệp

Tổng kết

Buổi trao đổi với chủ đề “Khám phá sức mạnh Lean: Ứng dụng thực tiễn tại Tập đoàn Intel” đã kết thúc tốt đẹp trong bầu không khí sôi nổi và hào hứng. Sự kiện thu hút đông đảo sinh viên Khoa Quản lý Công nghiệp tham gia, với nhiều câu hỏi thú vị được đặt ra cho diễn giả.

Xin trân trọng cảm ơn chị Bảo Hân và cô Đức Nguyên đã tạo điều kiện cho sinh viên được lắng nghe, trao đổi và tiếp xúc gần hơn với những doanh nghiệp thực tế. Không chỉ là cơ hội để tiếp thu kiến thức, buổi trao đổi còn là cầu nối giúp sinh viên giao lưu, kết nối và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ những người đi trước. Đây chính là hành trang quý báu giúp các bạn trẻ tự tin bước vào thị trường lao động trí thức đầy cạnh tranh. Hy vọng rằng trong tương lai, sự kết nối giữa Tập đoàn Intel và Khoa Quản lý Công nghiệp sẽ ngày càng thắt chặt hơn nữa, góp phần lan tỏa giá trị giáo dục bền vững cho sinh viên.

Cô Nguyễn Thị Đức Nguyên – cán bộ giảng dạy môn lý Sản xuất Theo Lean và Sáu Sigma cùng với chị Lê Thị Bảo Hân – Client Quality Engineer Lead, Tập đoàn Intel Vietnam

Tìm hiểu thêm về Tập đoàn Intel Vietnam, vui lòng truy cập: https://www.intel.com/