Hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 18 năm 2023 xoay quanh thực tiễn đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Tiếp nối thành công Hội nghị năm 2019 với chủ đề “Xã hội xanh và thông minh” và năm 2021 về “Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số trong hoạt động liên kết trường Đại học – Công nghiệp”, Hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 18 năm 2023 có chủ đề “Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa kết quả nghiên cứu”. Hoạt động này hướng đến 02 trong 09 mục tiêu năm 2023 của ngành Khoa học về mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) và đẩy mạnh phát triển thị trường, doanh nghiệp và dịch vụ khoa học công nghệ, cùng thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường. 

Đồng tổ chức Hội nghị có Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại học Quốc gia TP.HCM; Sở Khoa học và Công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh và của các tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Long An, tỉnh Bình Dương; Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF). Đóng góp lớn cho thành công của Hội nghị là các đơn vị tài trợ chính gồm Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư T&N; Công ty TNHH Thiết bị Khoa học Kỹ thuật Mỹ Thành; Mobifone; Tổng công ty điện lực TP.HCM cùng các nhà đồng tài trợ Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại Đông Ngân; Công ty Cổ phần Công nghệ Giải pháp Thi Thiên; Công ty CP Viễn thông 3G; Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Công nghệ Trường An.
 

Hội nghị vinh dự đón tiếp ông Phạm Đức Nghiệm, Cục phát triển thị trường doanh nghiệp công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành các tỉnh, các trường Đại học và các doanh nghiệp. Về phía Trường Đại học Bách khoa có PGS. TS. Lê Văn Thăng – Phó Hiệu trưởng cùng đông đảo quý Thầy/Cô và các bạn sinh viên.

PGS. TS. Lê Văn Thăng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. TS. Lê Văn Thăng đã thông tin về một số thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật của Trường Đại học Bách khoa, trong đó số lượng bài báo trên trên số lượng giảng viên của nhà trường là 1.5 bài báo quốc tế nằm trong các danh mục ISI, Scopus/người/năm, còn đối với tiến sĩ là hơn 2 bài báo/tiến sĩ/năm. Đại diện lãnh đạo Nhà trường cho biết Trường đang hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng đến mô hình trường Đại học Khởi nghiệp, do đó, thông qua Hội nghị này, Nhà trường mong muốn các bên có liên quan cùng chia sẻ kinh nghiệm, góp phần tìm định hướng làm sao để thúc đẩy và đưa những nghiên cứu từ trong trường đại học, viện nghiên cứu ra ứng dụng đến doanh nghiệp, thị trường, thúc đẩy sự phát triển của xã hội bền vững.
 

Toàn thể Hội nghị đã lắng nghe 05 tham luận xoay quanh thực tiễn đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong Nhà trường, doanh nghiệp và các chính sách, định hướng của Nhà nước về vấn đề này:

1. Tham luận 1: “Trường Đại học Bách khoa hướng đến mô hình trường Đại học Khởi nghiệp: Cơ hội và Thách thức” – TS. Phạm Tấn Thi – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Dự án Trường ĐH Bách khoa. Tham luận nêu ra lộ trình hướng đến Trường ĐH khởi nghiệp của Bách khoa, trong đó bao gồm cả cơ hội và thách thức liên quan đến cơ chế, kinh phí, nguồn lực, mạng lưới hợp tác,…

2. Tham luận 2: “Quản lý nhà nước về Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Các khó khăn, rào cản chính sách và phương án gợi mở trong hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu” của ông Phạm Đức Nghiệm, Cục phát triển thị trường doanh nghiệp công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo ông Nghiệm, thị trường khoa học và công nghệ vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong đó điểm nghẽn lớn nhất là hệ thống chính sách pháp luật do được xây dựng ở các thời điểm khác nhau, góc nhìn của các Bộ, ngành khác nhau. Giải pháp được nêu ra đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học; Phát huy vai trò cửa sổ công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam; Nhân rộng chương trình đào tạo kỹ năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, mô hình quỹ đầu tư thương mại hóa,…

3. Tham luận 3: “Từ R&D đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu của Doanh nghiệp trong  nước: Thành công và thách thức” – Ông Huỳnh Văn Đồng – Công ty Cổ phần FYN.
 

4. Tham luận 4: “Góc nhìn Doanh nghiệp nước ngoài trong hợp tác U-I về việc ứng dụng các kết quả NCKH trong trường Đại học” – Bà Hoàng Mai Duyên, Công ty LG Việt Nam Hải Phòng.
 

5. Tham luận 5: “Mô hình thực tế thương mại hoá kết quả nghiên cứu” – TS. Sze Tiam Lin, Viện đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp – Đại học quản lý Singapore. Theo TS. Sze, đổi mới sáng tạo luôn là một trong những động lực chính của nền kinh tế Singapore. Quốc gia này đặc biệt đầu tư cho các hoạt động chuyển giao nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua Kế hoạch 5 năm về đổi mới sáng tạo của Chính phủ Singapore (năm 1991); Kế hoạch Research, Innovation and Enterprise RIE 2025 (Nghiên cứu, Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp 2025) ghi nhận tổng mức đầu tư 18,6 tỷ USD;… TS. Sze cũng chia sẻ kinh nghiệm về thương mại kết quả nghiên cứu, trong đó có 3 yếu tố quan trọng nhất 3P: People (Con người), Platforms (Nền tảng), Passion or Patience (Niềm đam mê và sự kiên nhẫn).
 

6. Tọa đàm: các chuyên gia đến từ cơ quan quản lý Bộ KHCN, Sở KHCN, Hiệp hội đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp châu Á (ASSIST) chia sẻ kinh nghiệm kết nối Đại học – Doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: 

  • Ông Phạm Đức Nghiệm, Cục phát triển thị trường doanh nghiệp công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ. 
  • Ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, tỉnh Thừa Thiên – Huế
  • TS. Sze Tiam Lin, Viện đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp – Đại học quản lý Singapore
  • Ông Xander Sim – Đại học quản lý Singapore
  • Ông Aru David – Hiệp hội Cải thiện Xã hội và Chuyển đổi Bền vững Châu Á
  • TS. Phạm Tấn Thi – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Dự án Trường ĐH Bách khoa

Bên cạnh đó là phiên triển lãm với sự tham gia của hơn 60 gian của các doanh nghiệp, phòng thí nghiệm của Trường, các nhóm nghiên cứu về các sản phẩm công nghệ, mô hình thiết bị tiên tiến, giải pháp chuyển đổi số, giải pháp tự động hóa, một số sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên,…
 

Trước đó, các khoa, trung tâm của Trường cũng đã lần lượt tổ chức các hội nghị khoa học xuyên suốt trong năm, thu hút nhiều nhà khoa học, diễn giả trong và ngoài nước, các nhóm nghiên cứu cùng nhau chia sẻ các kết quả nghiên cứu và trao đổi về những chủ đề đặc thù trong lĩnh vực điện – điện tử, kỹ thuật phương tiện giao thông tiên tiến, khoa học và kỹ thuật máy tính, vạn vật thông minh,…

Trường Đại học Bách khoa trân trọng cảm ơn Sở Khoa học & Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, quỹ NAFOSTED của Bộ Khoa học & Công nghệ, các doanh nghiệp, các trường, viện đã đồng hành cùng nhà trường đã đồng hành trong các hoạt động khoa học công nghệ của Trường.

Không gian triển lãm của các doanh nghiệp, khoa, nhóm nghiên cứu