Tối 30/12, Lễ công bố và trao Giải thưởng Sáng tạo TP. HCM lần thứ 2-2021 được tổ chức tại Nhà hát Thành phố HCM.
Tham dự có bà Võ Thị Ánh Xuân – Phó Chủ tịch nước; ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM…
Giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh là giải thưởng danh giá nhất của Thành phố, được trao 2 năm/lần cho các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm dịch vụ sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Giải thưởng sáng tạo TPHCM là hoạt động đặc biệt có ý nghĩa để tiếp tục khẳng định tiềm năng sáng tạo, để xây dựng và phát triển thành phố thân yêu.
Qua nhiều kỳ họp xét chọn, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM đã xét chọn 58 công trình để trao giải. Trong đó, trường ĐH Bách khoa- ĐHQG-HCM vinh dự có 03 công trình, cụm công trình được vinh danh và trao giải, gồm:
1. Cụm công trình “Nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị sản xuất Bún, Phở dạng mini trang bị cho các nhà hàng khách sạn trên thế giới để quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt”, đạt giải Nhì của tác giả: NGND.PGS.TS Trần Doãn Sơn (Giảng viên Khoa Cơ khí).
Cụm công trình gồm 03 công trình:
- Công trình nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị sản xuất phở mini
- Công trình nghiên cứu đổi mới và phát triển công nghệ và thiết bị sản xuất bún mini
- Công trình sản xuất phở, bún, bánh hỏi đồng thời trên một thiết bị mini
Ngoài thiết bị sản xuất phở, bún mini, tác giả còn triển khai, phát triển các thiết bị có công suất lớn, trang bị cho các cơ sở sản xuất trong nước, thay thế dây chuyền sản xuất lạc hậu, tạo điều kiện về hiệu quả lao động, từ đó thúc đẩy ngành chế biến bún phở phát triển, nhiều cơ sở sản xuất mới được hình thành, từ đây góp phần tạo ra công ăn việc làm và ổn định an ninh-xã hội. Ngoài ra tạo điều kiện giúp các cơ sở chế biến gạo, bột gạo trong nước tăng lượng xuất khẩu khi công nghệ sản xuất bún phở được sản xuất trực tiếp nước ngoài.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao cho nhiều khách hành trên thế giới, cụ thể như Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, v.v… Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà tác giả có thay đổi về kích thước để đạt được năng suất khác nhau.
2. Công trình: “Nghiên cứu điều chỉnh cấu trúc pha kết hợp với liên kết thuận nghịch Diels –Alders nhằm tạo ra vật liệu polyrethane mới có cơ tính cao và tính năng tự lành ở nhiệt độ ôn hòa” đạt giải Ba của nhóm tác giả : PGS.TS Nguyễn Trần Hà, PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu (cùng là Giảng viên khoa Công nghệ Vật liệu)
Hiện nay nghiên cứu về vật liệu polyme “tự lành” đang là một đề tài mới cấp thiết thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học và công nghiệp trên thế giới. Công trình nghiên cứu này đề xuất giải pháp điều chỉnh cấu trúc pha của vật liệu polyme nhằm đem lại khả năng tự lành các vết nứt, rạch trên bề mặt vật liệu ở nhiệt độ thấp mà vẫn đảm bảo cơ tính tốt của vật liệu.
Việc nghiên cứu ra các hệ vật liệu tự lành mới và nghiên cứu cải tiến tính chất của chúng đem lại tiềm năng to lớn cho khả năng ứng dụng và hiệu quả kinh tế nói chung. Vật liệu có thể “tự lành” khi xuất hiện vết rạn tế vi giúp cho sản phẩm có tuổi thọ sử dụng cao, nhờ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa, đem lại hiệu quả ứng dụng của sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Ngày nay, nhiều công ty lớn (như Nissan, LG Electronics, Evonik, Toray Advanced, Bayer (Đức), RadTech EUROPE (Thụy Sĩ), Nissan Motor Co. (Nhật)…) và các công ty spin-off của các trường đại học trên thế giới đang trong giai đoạn nghiên cứu cố gắng mang lại các ứng dụng mới hơn của polyme tự lành để đưa vào thị trường trong tương lai. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của công trình góp phần xây dựng nhóm nghiên cứu đi theo xu hướng nghiên cứu của thế giới, và khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu mới “tự lành” ở Việt Nam.
3. Công trình: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông dựa vào dữ liệu cộng đồng và phân tích dữ liệu lớn”, đạt giải Ba của nhóm tác giả: PGS.TS Trần Minh Quang, ThS. Mai Tấn Hà, ThS. Phạm Nguyễn Hoàng Nam (cùng là giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính)
UTraffic – Hệ thống dự báo tình trạng giao thông đô thị dựa vào dữ liệu từ cộng đồng đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hợp lý, vận dụng sức mạnh của công nghệ 4.0 và sức mạnh của cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề cốt lõi, mới và chưa được giải quyết tốt bởi các giải pháp hiện có, góp phần giảm thiểu ùn tắt giao thông (UTGT), nâng cao sự an toàn và thuận lợi cho người tham gia giao thông. UTraffic là một hệ thống gồm các phần mềm chính sau:
- UTrafficMobile: Ứng dụng trên điện thoại di động hỗ trợ thu thập dữ liệu dựa vào cộng đồng, hiển thị và cảnh báo tình trạng giao thông (TTGT), hỗ trợ tìm đường tối ưu… Người dùng có thể download miễn phí ứng dụng tại https://bktraffic.com/home/mobile-app.
- UTrafficMIS: Hệ thống thông tin quản lý về TTGT đang được sử dụng thực tế tại Kênh giao thông đô thị (95,6MHz) của Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH), nhằm phục vụ tốt nhất cộng đồng.
- UTrafficPortal: Ứng dụng web thu thập, tổ chức lưu trữ và phân tích dữ liệu lớn để dự báo TTGT, UTGT…hỗ trợ tìm đường tối ưu. Người dùng truy xuất vào hệ thống này tại https://bktraffic.com/utraffic/.
- Publish dữ liệu, APIs và tài liệu (Documents): Cung cấp cơ chế lấy dữ liệu thực tế về TTGT theo thời gian, các APIs phát triển hệ thống này cũng như các tài liệu liên quan để nhà nghiên cứu, nhà phát triển phần mềm có thể sử dụng trong nghiên cứu và phát triển. Người dùng có thể khảo sát các tiện ích này trên menu chính của trang web.
Hiện tại hệ thống đã được Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH), Kênh Giao thông đô thị (95.6 MHz) sử dụng từ tháng 09/2020 đến nay. Hệ thống này đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ các hoạt động hàng ngày của kênh 95,6MHz, nhằm phục vụ tốt nhất cộng đồng. Với người dân, phần mềm di động (UTrafficMobile) và phần mềm web (UTrafficPortal) hiện đã có hơn 2500 lượt người sử dụng, đóng góp dữ liệu và truy cập TTGT hàng ngày.
Theo fb/truongdhbachkhoa