Vòng Chung kết Bach Khoa Innovation 2024

Bach Khoa Innovation 2024 tiếp tục khẳng định mình là sân chơi học thuật năng động và chuyên nghiệp, thu hút sự tham gia của 91 đội thi, trong đó bảng Sinh viên góp mặt 59 đội. Vòng Chung kết đã diễn ra vào ngày 12/10/2024 tại Trường Đại học Bách khoa, cơ sở Lý Thường Kiệt, với kết quả ấn tượng ở bảng Sinh viên:

🔥Giải Nhất: Nhóm AIoT BKR (Dự án Robot điều dưỡng tích hợp AIoT và điều hướng tự động).

🔥Giải Nhì: Nhóm AFTER 1224 (Dự án cà phê thủy nướng) và Nhóm DuriPac (Dự án biến vỏ sầu riêng thành vật liệu thân thiện với môi trường).

🔥Giải Ba: Nhóm THE ERAS TOUR (Dự án tái chế thân cây chuối thành dụng cụ phân hủy sinh học) và Nhóm F.A.S.T (Dự án công cụ chẩn đoán ô tô đa chức năng).

Nhóm THE ERAS TOUR (Dự án tái chế thân cây chuối thành dụng cụ phân hủy sinh học) và Nhóm F.A.S.T (Dự án công cụ chẩn đoán ô tô đa chức năng).

Mỗi đội tham gia Bach Khoa Innovation đều là một ẩn số thú vị trong hành trình kéo dài 6 tháng. Sau khi vượt qua 3 vòng thi, các đội xuất sắc nhất đã tự tin bước vào vòng Chung kết, nơi họ không chỉ thuyết trình bằng tiếng Anh mà còn nhanh nhạy trả lời những câu hỏi hóc búa từ Ban Giám khảo. Thành công của mỗi đội thi là sự tổng hòa từ chiến lược của mentor, sự góp ý xác đáng của advisor và nỗ lực không ngừng nghỉ của các thành viên.

Một điểm nổi bật của năm nay là sự tham gia tích cực của giảng viên – sinh viên – cựu sinh viên Khoa Quản lý Công nghiệp (QLCN). Nhóm THE ERAS TOUR có mentor là giảng viên Khoa QLCN, 4/6 thành viên là sinh viên của khoa, cùng sự hỗ trợ từ các cựu sinh viên QLCN trong vai trò advisor. Nhóm AFTER 1224 cũng có 2 thành viên đến từ khoa, trong khi AIoT BKR có 1 thành viên là sinh viên QLCN. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị bên cạnh kỹ thuật trong các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Quản trị và kỹ thuật không chỉ bổ trợ lẫn nhau mà còn tạo nên nền tảng vững chắc để phát triển bền vững. Trong các nhóm khởi nghiệp, kỹ thuật giúp phát triển sản phẩm và giải pháp, còn quản trị đảm bảo sự vận hành hiệu quả và đạt được mục tiêu chiến lược. Tại Khoa QLCN, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng quản trị để tồn tại và phát triển trong môi trường khởi nghiệp sáng tạo.

✅Định hướng chiến lược và tầm nhìn: Quản trị giúp xác định tầm nhìn dài hạn, trong khi đội ngũ kỹ thuật tập trung phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng và xu hướng thị trường.

✅Quản lý nguồn lực và tối ưu hóa tài nguyên: Quản trị đảm bảo nguồn lực (tài chính, nhân lực, thời gian) được phân bổ hiệu quả, giúp các dự án kỹ thuật tiến hành mà không cạn kiệt tài nguyên.

✅Quản lý tài chính và gọi vốn: Quản trị không chỉ lập kế hoạch tài chính mà còn đóng vai trò tìm kiếm và thuyết phục các nhà đầu tư về tiềm năng của startup.

✅Quản lý rủi ro và linh hoạt thích ứng: Khởi nghiệp luôn đối mặt với nhiều rủi ro, quản trị giúp đánh giá và quản lý rủi ro để đội ngũ kỹ thuật tập trung vào việc phát triển.

✅Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Quản trị tạo ra và duy trì môi trường làm việc sáng tạo, cởi mở, khuyến khích các thành viên hợp tác và đổi mới.

✅Kết nối và mở rộng mạng lưới: Quản trị đóng vai trò trong việc thiết lập quan hệ với các đối tác, khách hàng, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sản phẩm.

✅Giao tiếp và truyền thông: Quản trị giúp truyền tải thông tin một cách rõ ràng giữa các bên liên quan trong tổ chức và với khách hàng, nhà đầu tư.

✅Kiểm soát tiến độ và đo lường hiệu suất: Quản trị theo dõi tiến độ dự án, đảm bảo các mục tiêu được hoàn thành đúng hạn và tối ưu hóa quy trình làm việc.

Tầm quan trọng của quản trị trong các dự án khởi nghiệp sáng tạo thể hiện rõ ràng tại Bach Khoa Innovation 2024. Giảng viên – sinh viên – cựu sinh viên Khoa QLCN không chỉ góp phần vào sự thành công của cuộc thi mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thế hệ khởi nghiệp trẻ, đưa sáng tạo Việt Nam lên tầm cao mới.