Chung kết “Bach khoa Innovation” lần VI-2023: Giải Nhất thuộc về dự án “Màng bọc thực phẩm ăn được làm từ Chitosan và lá ổi”

Sáng ngày 09/7 tại Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM, vòng Chung kết cuộc thi “Bach khoa Innovation” lần VI-2023 đã diễn ra với đông đảo đội thi cùng đa dạng các dự án trải dài ở các lĩnh vực về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, năng lượng, mỹ phẩm,…

Shark Lê Đăng Khoa trao đổi về dự án với nhóm sinh viên.

Sau hơn 4 tháng kể từ khi chính thức khởi động vào ngày 04/3/2023, cuộc thi “Bach khoa Innovation” lần VI-2023 đã nhận về tổng cộng 60 dự án khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm 53 dự án khối Đại học và 07 dự án khối Trung học Phổ thông. Trải qua 2 vòng tranh tài gay cấn giữa các đội khối Đại học, Ban Giám khảo đã chọn ra 18/53 đề tài đi tiếp vào vòng trong. Tại đây, các đội thi trực tiếp thuyết trình về dự án, tạo cơ sở để Ban Giám khảo chấm điểm và lựa chọn TOP 06 đội khối Đại học cùng TOP 03 đội khối THPT để trình bày trong vòng Chung kết.

Ban Giám khảo chấm điểm và lựa chọn TOP 06 đội khối Đại học cùng TOP 03 đội khối THPT để trình bày trong vòng Chung kết.

Tham dự buổi chung kết, về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM có bà Phan Thị Quý Trúc – Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường Công nghệ. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của đại diện các Nhà tài trợ bà Nguyễn Kim Phượng – Tổng Giám đốc Điều hành Dow Việt Nam – Nhà tài trợ kim cương; phía Nhà tài trợ vàng có ông Đinh Vũ Quốc Trung – Giám đốc FPT Software Academy HCM; bà Thảo Phạm – Ban Tuyển sinh Trường Đại học Adelaide; ông Ôn Hồ Hảo – Phó Giám đốc Công ty TNHH TECHK; ông Sekiguchi Kazuhiro – Trưởng Phòng Đào tạo Kohi Việt Nam; phía Nhà tài trợ bạc có ông Hugo Nguyễn – Đại diện thường trú Trường Đại học Adelaide. Phía đối tác ông Nguyễn Đức Quế – Giám đốc Kinh doanh Intel Việt Nam; ông Lê Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam – Nhật Bản cũng đến tham dự buổi chung kết. Đại diện Trường Đại học Bách khoa có PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị, khoa, phòng ban.

Phát biểu mở đầu cuộc thi, PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo khẳng định “Bach khoa Innovation” là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao khả năng sáng tạo, đổi mới của sinh viên và giảng viên. Cuộc thi không chỉ là nơi tranh tài mà còn tạo ra nhiều cơ hội để sinh viên học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành từ các chuyến đi thực tế doanh nghiệp và chuỗi workshop được chia sẻ bởi các cố vấn trong và ngoài nước.

Các bạn học sinh khối Trung học Phổ thông cũng tích cực tham gia hoạt động sáng tạo kỹ thuật.

Vòng Chung kết “Bach khoa Innovation 2023” chứng kiến những màn tranh tài thú vị và đầy tự tin của các đội thi. Các đội thi khối Đại học và Trung học Phổ thông không những thuyết trình lưu loát dự án bằng tiếng Anh mà còn mạnh dạn tranh biện với Ban Giám khảo trên tinh thần sẵn sàng tiếp thu các nhận xét và góp ý để hoàn thiện dự án hơn.

Để thực sự chọn ra các đội thi xuất sắc nhất, các thành viên Ban Giám khảo dày dạn chuyên môn như Shark Lê Đăng Khoa; ông Masahito Yano – Quản lý dự án cấp cao về phát triển kinh doanh Công ty hóa dầu Nhật Bản Mitsui Chemicals; bà Selena Lê – Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty TNHH Wsafe – Impact Venture Builder; ông Dinis Descour – Tổng Giám đốc Điều hành TOPAM Company; ông Michael Saram – Giám đốc WinSolutions Co. Ltd,… đã liên tục đặt ra những câu hỏi hóc búa, vừa thử thách các đội thi vừa giúp mổ xẻ vấn đề để các đội nhìn nhận được nhiều khía cạnh khác nhau khi thực hiện một dự án. Bên cạnh đó, các đội cũng đã thể hiện khá tốt kiến thức về kế hoạch kinh doanh, quản lý dự án, phân tích tài chính,…

Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ Trường Đại học Bách khoa đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam – Nhật Bản (E-Future)

Trong khuôn khổ của vòng chung kết, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ Trường Đại học Bách khoa đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam – Nhật Bản (E-Future). Theo đó, đôi bên sẽ hợp tác kết nối các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm tại Nhật Bản đầu tư vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo khả thi tại Việt Nam, cùng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hai chiều cũng như huấn luyện đào tạo, ươm tạo, tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Sự phối hợp giữa E-Future và Nhà trường còn mở ra nhiều cơ hội nâng tầm quốc tế cuộc thi “Bach khoa Innovation” trong tương lai.

Kết quả chung cuộc của cuộc thi:

🎯KHỐI ĐẠI HỌC

🥇Giải Nhất: dự án “màng bọc thực phẩm ăn được từ Chitosan và lá ổi” (Fabrication of antimicrobial edible films from chitosan incorporated with Guava leaf extract) của nhóm F.I.M

🥈Giải Nhì:

🌟Dự án “Bọt biển làm sạch dầu trong nước” (Oil absorbing coco de nata sponge) của nhóm Syncot.

🌟Dự án “Chuyển đổi năng lượng sóng biển thành năng lượng sạch và giải quyết rác thải nhựa” (From Wastes to Blue Energy) của nhóm BKTENG.

🥉Giải Ba

🌟Dự án “Màn lọc than hoạt tính aerogel được tổng hợp từ cellulose” (Carbon aerogels filter based on cellulose) của nhóm CYNOSURE

🌟Dự án “Băng vệ sinh sợi chuối” (Banana-fibre Sanitary Pads – Solution for Women) của nhóm The Minions.

🎯KHỐI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

🥇Giải Nhất: “Sản phẩm làm lành da và đuổi côn trùng tự nhiên từ hoa sa kê” (Natural skin healing and insect repellent products from breadfruit flower) của đội SAKARE đến từ trường THPT Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Hồng Phong và Phổ thông Năng khiếu.

🥈Giải Nhì: dự án “Máy trao đổi sách” (Book Exchange Machine) của đội TOPAZ, Trường Phổ thông Năng khiếu và THPT Lê Quý Đôn.

🥉Giải Ba: dự án “Sản xuất nuciferin tinh khiết từ lá sen” (Produce pure nuciferin from lotus leaf) của nhóm NAK, Trường THPT Gia Định.

💥Giải “Video xuất sắc nhất”

🌟Nhóm The Minions với dự án “Banana-fibre Sanitary Pads – Solution for Women”

🌟Nhóm Tech Titans với dự án “The drone detection, warning and jamming system”

💥Giải “Dự án được yêu thích nhất”

🌟Nhóm KPN với dự án “Artificial Intelligent Joints”

🌟Nhóm SYNCOT với dự án “Oil absorbing coco de nata sponge”

🌟Nhóm SARI với dự án “Agricultural Sustainability Connection Platform”

Nguồn: www.hcmut.edu.vn