Hội nghị Quốc tế lần thứ 2 về Vạn vật Thông minh và Hội thảo khoa học lần 3 về Khoa học & Kỹ thuật Máy tính

Từ ngày 25/10 đến ngày 27/10, tại Trường ĐH Bách khoa đã diễn ra Hội nghị Quốc tế lần thứ 2 về Vạn vật Thông minh (ICIT 2023) và Hội thảo khoa học lần 3 về Khoa học & Kỹ thuật Máy tính (CSCE 2023) do Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính chủ trì.

Với mục đích trao đổi và thảo luận về các kết quả nghiên cứu tiên tiến trong lĩnh vực Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Bảo mật, Kỹ thuật phần mềm và các chủ đề khác liên quan đến máy tính, Hội nghị đã thu hút đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước (Nhật Bản, Ban Lan, IreLand), giảng viên các Trường Đại học và các bạn sinh viên cùng tham dự.

PGS. TS. Lê Văn Thăng – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Lê Văn Thăng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhận định thành công bước đầu của ICIT 2023 và CSCE 2023 đó là nhận được sự quan tâm lớn từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu thông qua số lượng các bài báo khoa học nộp về.

Năm nay, Hội nghị Quốc tế lần thứ 2 về Vạn vật Thông minh (ICIT 2023) đã chấp nhận 71 bài báo khoa học của hơn 270 tác giả đến từ 9 quốc gia (Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Ireland,…). Tất cả các bài được tổng hợp trong cuốn “Intelligence of Things: Technologies and Applications” của “Lecture Notes on Data Engineering and Communications Technologies”. Trong khi đó, Hội thảo khoa học lần 3 về Khoa học & Kỹ thuật Máy tính (CSCE 2023) chấp nhận 9 bài báo, các bài báo này sẽ được đăng trong “VNUHCM Journal of Engineering and Technology”.

PGS. TS. Phạm Trần Vũ – Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính thống kê về số lượng các bài báo khoa học của ICIT 2023 và CSCE 2023.

Hội nghị diễn ra trong 03 ngày với 03 phiên toàn thể và các phân ban song song. Trong phiên toàn thể, Hội nghị đã lần lượt lắng nghe 04 bài trình bày của các chuyên gia về máy tính và trí tuệ nhân tạo: (1) GS. TS. Nguyễn Ngọc Thành – Trường Đại học Bách khoa Wrocław, Phần Lan; (2) GS. TS. Koichiro Ishibashi – Trường Đại học Điện tử Truyền thông (UEC, Nhật Bản); (3) GS. TS. Emanuel Popovici – Trường Đại học Cork, Ireland; (4) GS. TS. Phạm Công Kha và PGS. TS. Hoàng Trọng Thức – Trường Đại học Điện tử Truyền thông (UEC, Nhật Bản).

GS. TS. Nguyễn Ngọc Thành – Trường Đại học Bách khoa Wrocław, Phần Lan có bài trình bày tại Hội nghị.
Bài tham luận chính thứ hai tại Hội nghị của GS. TS. Koichiro Ishibashi – Trường Đại học Điện tử Truyền thông (UEC, Nhật Bản).

Bên cạnh đó, các phiên phân ban được tổ chức song song tại các phòng, mỗi phân ban sẽ có một chủ đề trình bày cụ thể như các công nghệ IoT, ứng dụng của IoT, các giải pháp và thiết bị thông minh IoT, quản lý mạng và dịch vụ,…

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

PGS. TS. Quản Thành Thơ – Phó Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính tặng hoa cảm ơn GS. TS. Nguyễn Ngọc Thành – Trường Đại học Bách khoa Wrocław, Phần Lan.
Các phiên phân ban được tổ chức song song tại các phòng, mỗi phân ban sẽ có một chủ đề trình bày cụ thể.

Nguồn: www.hcmut.edu.vn